Kinh nghiệm và tư duy tối ưu tốc độ website WordPress hữu ích

Nếu bạn chỉ chăm chăm vào tối ưu tốc độ website WordPress theo các chỉ số tối đa của PageSpeed Insights thì sẽ rất có nguy cơ phát sinh lỗi, trải nghiệm người dùng xấu đi và ảnh hưởng xấu đến SEO website. Do đó bạn có thể tham khảo qua một số kinh nghiệp và tư duy có trong bài viết này.

Những điều cần biết về tối ưu tốc độ site WordPress

WordPress là một mã nguồn mở cực kỳ tiện lợi để hầu hết mọi người có thể tạo website mà không cần biết lập trình web. Điều này phát sinh một hệ quả là: trong quá trình vận hành website WordPress, những người chưa có kiến thức về web sẽ khó mà thực hiện việc tối ưu tốc độ website ở góc độ KỸ THUẬT.

Nhưng không sao, để tối ưu đạt hiệu quả cao nhất (10đ) thì mới cần kiến thức kỹ thuật chuyên sâu, xịn xò. Còn tối ưu để trang web có tốc độ nhanh hơn, ở mức KHÁ (7đ, 8đ) thì không hề khó. Bài viết này mình hướng đến các anh em không có kiến thức chuyên sâu nhưng vẫn có thể cải thiện được tốc độ website ở một mức độ nào đó.

Kinh nghiệm và tư duy tối ưu tốc độ website WordPress hữu ích 1

Ngoài ra, nếu chủ site cố tối ưu theo thành tích mà không có kiến thức sâu về tối ưu sẽ dẫn đến kết quả xấu như:

- Website bị vỡ giao diện, thao tác bị delay - Ảnh hưởng đến SEO của website, có thể dẫn đến không index bài viết hoặc bài biết có sẵn bị cảnh báo về lỗi hiển thị hoặc trải nghiệm người dùng thấp.

Các yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ website WordPress

- Tốc độ website WordPress không duy trì ở một ngưỡng nhất định. Thời gian tải trang cũng không như nhau. tùy thuộc vào vị trí địa lý, thời điểm trong ngày, theo thiết bị và đường truyền Internet của người dùng.

Những yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ tải trang mà bạn có thể kiểm soát:

  • Website của bạn có đang bị lỗi hay nhiễm virus, mã độc gì không? Thông thường website WordPress hay bị lỗi do xung đột giữa theme, plugin với phiên bản WordPress hiện tại hoặc với phiên bản php đang chạy. Còn nếu bị nhiễm virus, mã độc thì chắc chắn bị ảnh hưởng rồi.
  • Cơ sở dữ liệu của bạn có thể đã phình to, không tối ưu, nhiều RÁC. Điều này cũng một phần ảnh hưởng đến tốc độ tải trang. Bạn nào bị SPAM bình luận (do bot) thì xem lại thử nhé, comment rác vài ngàn cái thì chắc chắn database sẽ phình lên. Hoặc trước đó bạn cài nhiều theme, plugin, và mặc dù đã gỡ hết chúng đi nhưng database có thể vẫn còn sót, hãy tìm và xóa đi nhé.
  • Theme của bạn thuộc loại nặng hay nhẹ? Đa phần anh em hay chọn dùng những theme có giao diện lung linh, nhiều tính năng. Và chắc chắn rằng nhiều tính năng thì bộ code của nó sẽ nặng hơn mấy theme giao diện đơn giản rồi. Nhưng nếu bạn ưng theme đó quá thì thôi, chấp nhận chậm hơn một chút vậy.
  • Plugin bạn cài vào có nhiều không? Thực ra thì cài nhiều plugin thì sẽ nặng hơn ít plugin rồi. Nhưng quan trọng là những plugin bạn cài vào nó có phải là plugin nặng không? Những Blog như Học Bạn.vn + Thạch Phạm. com cài rất nhiều plugin (tầm 30 plugin) nhưng tốc độ tải trang không hề chậm. Vậy thì chốt lại là: cài ít plugin nhưng toàn hạng nặng thì vẫn chậm hơn nhiều plugin nhưng nhẹ. Do đó nếu thấy nhu cầu cần thiết thì cứ cài plugin, bạn đừng có sợ quá chuyện nhiều ít plugin.
  • Bạn trình bày trang web/ bài viết như thế nào. Nội dung và các tính năng hiển thị trên trang đó có nhiều không? Ví dụ: Có nhiều video và hình ảnh nặng không ? Có chèn quảng cáo hoặc tính năng tìm kiếm tùy chỉnh của Google không?….mấy cái này cũng nặng đáng kể đấy.
  • Website của bạn thuộc dạng nào, có tính năng gì nặng không? Cái này cũng dễ hình dung nè, những site dạng blog/ tin tức sẽ thường nhẹ hơn các site dạng shop, thương mại điện tử hoặc có chứa công cụ/ tính năng đặc biệt nào đó chẳng hạn. Nhiều tính năng thì phải chậm hơn ít tính năng rồi.
  • Hosting bạn dùng là gói nào? Cấu hình ổn chứ? Nếu cấu hình hosting yếu quá thì sao web chạy nhanh được đúng không? Chính vì vậy nếu đã trót mua gói yếu thì bạn cũng đừng lo lắng, đóng thêm phí nâng cấp dịch vụ thôi.
  • Thời điểm hiện tại có bị đứt cáp quang biển hay bảo trì gì không? Nếu website của bạn dùng host của nước ngoài thì khả năng cao là sẽ bị chậm, xoay xoay khó chịu. Tình trạng này diễn ra rất thường niên, vì thế bạn nên chọn nhà cung cấp trong nước để yên tâm hơn.

Tư duy, kinh nghiệm tối ưu tốc độ site WordPress

Không tối ưu tốc độ website ngay từ đầu thì phải làm sao? Nhiều anh em khi thấy web nặng, tải trang quá chậm mới tiến hành tối ưu. Điều này cũng là chuyện thường thôi, vì không phải ai cũng có kinh nghiệm để lường trước vấn đề tối ưu tốc độ web.

Và khi thực hiện tối ưu thì không phải ai cũng thực hiện thành công. Có người làm được, cũng có người tối ưu đến mức website lỗi. Khi đó lại phát sinh thêm vấn đề đi khắc phục lỗi web nữa thì NÁT lắm.

Nếu gặp tình huống tương tự như trên, bạn không thể khắc phục được lỗi và cải thiện tốc độ tải trang thì hãy nhờ hỗ trợ từ cộng đồng hoặc một cá nhân, tổ chức có chuyên môn trong “NGHỀ” tối ưu tốc độ web. Tất nhiên là phải trả tiền cho người bạn thuê/ “nhờ” rồi nhé ! Tùy vào tình trạng, độ khó, số lượng công việc cần làm để xác định được chi phí của dịch vụ tối ưu tốc độ.

Tối ưu website WordPress từ đầu là thế nào?

Nếu website trước đây anh em không tối ưu ngay từ đầu, thì những website sau này hãy quan tâm dần đi nhé ^^. Việc tối ưu ngay từ đầu nó không nằm ở góc độ kỹ thuật mà hoàn toàn phụ thuộc vào tư duy và kinh nghiệm. Nếu định làm một website/ blog mới và bạn muốn khỏe hơn trong khâu tối ưu tốc độ (hiệu suất) về sau thì có thể tham khảo những khuyến nghị dưới đây:

- Nếu bạn yếu về kỹ thuật/ hoặc thậm chí không có kiến thức lập trình web thì làm sao tối ưu được code của theme, plugin đúng không nào. Do đó ngay từ đầu, khâu chọn theme (giao diện) cực kỳ quan trọng. Nên chọn những theme có tốc độ tải trang nhanh, được cộng đồng đánh giá cao về phần tối ưu code/ tốc độ. Tùy thể loại website (dạng tin tức, blog, shop) mà bạn có thể chọn cho mình một mẫu trong tóp những theme nhẹ.

Kinh nghiệm và tư duy tối ưu tốc độ website WordPress hữu ích 3

- Tư duy trình bày nội dung rất quan trọng, nhiều bạn có xu hướng show thật nhiều thứ trên trang chủ để cho trang web trông thật VÍP BỜ RỒ. Để làm chi vậy ? Xu hướng trải nghiệm duyệt web là càng tối giản, càng dễ sử dụng càng tốt. Bạn lắp nhiều thứ lên trang quá nó vừa rối mắt người đọc, vừa nặng thì liệu có đáng.

- Chọn hosting mạnh hơn chút đỉnh hoặc phù hợp nhu cầu. Mà cái này cũng tương đối thôi, khó xác định chuẩn xác nhu cầu của bạn lắm. Thay vì sợ đắt thì bạn sử dụng mã giảm giá/ ưu đãi khuyến mãi để mua (45% đến 70% là bình thường). Tuy nhiên, nếu muốn được tư vấn thêm thì bạn cứ gửi tiket (yêu cầu hỗ trợ) đến phòng kỹ thuật/ kinh doanh. Họ sẽ tư vấn cho bạn sát với nhu cầu nhất có thể.

- Cũng liên quan đến chọn hosting. Nhiều bạn bị quan điểm “hosting trong nước kém, giá cao” tiêm nhiễm vào đầu. Thế là cứ đâm đầu kiếm host ngoại để xài. Mình không nói là Host nước ngoài kém, nhưng host nước ngoài tải rất chậm khi xảy ra đứt/ bảo trì cáp quang. Chốt lại là: nếu traffic website của bạn hướng đến là người dùng trong nước thì cứ chọn của các nhà cung cấp trong nước, sợ giá cao thì săn khuyến mãi. Mà cấu hình host của Việt Nam hiện nay đôi khi còn mạnh hơn của nước ngoài đấy. Giá thì cũng gần như nhau, có điều ít khuyến mãi, giảm giá như host nước ngoài.

- Không dùng plugin, theme lậu (được share từ những nguồn không uy tín). Vì điều đó rất tiềm năng dẫn đến website bị dính virus, mã độc này nọ. Mà web dính mấy cái đó thì chậm rồi, hơn nữa web coi như hỏng hoặc khắc phục được nhưng rất cực.

- Đối với những nội dung, tiện ích nhúng từ nguồn bên ngoài ví dụ: Google Maps, Fanpage Facebook, Video YouTube,… Thì bạn chịu khó sử dụng định dạng thay thế, ví dụ như hình ảnh. Vì nhúng mấy cái đó vào web nặng phết đấy và nó là nguồn bên ngoài nên không tối ưu được đâu (thực ra là có nhưng ko ăn thua).

- Nên sử dụng plugin hỗ trợ tối ưu hiệu suất website WordPress. Nó sẽ hỗ trợ bạn rất nhiều trong tối ưu tốc độ website. Về sử dụng cũng không cần yêu cầu kiến thức kỹ thuật chuyên sâu gì quá. Hầu như ai cũng có thể thực hiện tối ưu website được theo hướng dẫn qua bài viết/ video.

Một số lưu ý khi tối ưu tốc độ cho website đang hoạt động

- Để đảm bảo an toàn khi thực hiện các thao tác có ảnh hưởng đến hiệu suất và dữ liệu website thì việc đầu tiên cần làm là phải sao lưu (backup) website bạn nhé! Vì khi tiến hành tối ưu có thể bạn sẽ làm hỏng web vì lý do nào đó, tạo bản sao lưu để có cái mà khôi phục (restore) lại.

- Nếu có thể, hãy sao chép website chính sang một tên miền phụ để làm site nháp (demo). Khi nào tối ưu xong bên site demo thì dùng những kinh nghiệm đó để áp dụng tối ưu chính thức lên site chính. Làm như vậy sẽ an toàn hơn với “sức khỏe” của site chính cũng như không bị ảnh hưởng vấn đền SEO do quá trình tối ưu gây ra lỗi. Lưu ý khi tạo web demo để thực hành tối ưu thì nhớ chặn index công cụ tìm kiếm để không bị đánh giá là nội dung trùng lặp bạn nhé.

- Một trong những vấn đề tối ưu tốc độ đó là nén ảnh. Bạn hết sức chú ý chất lượng ảnh sau khi nén đừng để nén quá đà, tốc độ có tăng nhưng ảnh mờ quá thì không tốt đâu.

- Phải có điểm dừng, tức là bạn đừng quá chạy đua thành tích để đạt 100đ PageSpeed Insights. Việc tối ưu quá đà có thể dẫn đến vỡ giao diện thực tế và bị báo lỗi hiển thị trong Search Console. Do đó chỉ cần cải thiện sao cho bạn cảm thấy rằng tốc độ thực tế đã nhanh hơn trước đáng kể là oke rồi. Nếu dùng công cụ PageSpeed Insights thì điểm đo được nằm trong ngưỡng 50 đến 89 là chấp nhận được.

Trên đây là chia sẻ những kinh nghiệm và tư duy tối ưu tốc độ website WordPress mà chắc chắn bạn sẽ cần đến. Mong rằng sau khi đọc xong bài viết thì bạn sẽ tối ưu được website ưng ý.

Nguồn bài tham khảo: Hocban